Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng Phòng Nông Nghiệp và PTNT huyện Long Phú cho biết : “Hiện nay, trên địa bàn huyện, diện tích sản xuất lúa đặc sản và tỉ lệ nông dân sử dụng cấp giống xác nhận nâng lên, diện tích cây ăn trái đặc sản ngày càng mở rộng, khoa học kỹ thuật và cơ giới hoá trong sản xuất được ứng dụng mạnh mẽ, có 79,75ha lúa và 11,55ha rau màu được chứng nhận VietGAP. Trong lĩnh vực chăn nuôi đã phát triển được một số trang trại chăn nuôi heo, gà theo hướng công nghiệp, đem lại hiệu quả và nâng cao thu nhập cho người dân. Thủy sản được duy trì ổn định với vùng nuôi tập trung ven Sông Hậu. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01 ha đất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đạt 150 triệu đồng, tăng 30,43% so năm 2015. Thủy lợi được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh”
Bên cạnh, các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp tiếp tục được củng cố, phát triển, đến nay toàn huyện có 22 hợp tác xã nông nghiệp, 47 tổ hợp tác; các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từng bước được hình thành, đối với cây lúa liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, Công ty ADC, Công ty Cổ phần Gạo ông Thọ; đối với cây bưởi liên kết với Công ty VinaGreenCo;… Ông Võ Văn Phúc, Giám đốc HTX Nông Nghiệp Thành Công xã Phú Hữu, huyện Long Phú nói “ Khi tham gia HTX đời sống của bà con mình rất phát triển, sản xuất bà con mình luôn có lợi nhuận, vì đã có đơn vị bao tiêu sản phẩm, chỉ sợ yếu tố thời tiết nếu năng suất cao thì lợi nhuận cao, khi mới thành lập HTX có 4 hộ nghèo nhưng đến nay đã thoát nghèo hết ”.
Huyện hiện có 3 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao là : Mật sáp, Mật ong Organic, Mật ong Miền Tây và đã được Hội đồng, đánh giá xếp hạng OCOP tỉnh đánh giá thêm 1 sản phẩm 1 sản phẩm đạt 4 sao là bưởi da xanh của Hợp tác xã cây ăn trái Trường Phát và 5 sản phẩm đạt 3 sao là Dưa bồn bồn, dưa bồn bồn chua ngọt, chuối sấy Xuân Diệu, sá bấu Hoà Phát, tương hột. Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, ý thức người dân được nâng lên và tự nguyện tham gia với vai trò chủ thể. Đến nay, có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt 16 tiêu chí. Anh Nguyễn Minh Tùng, Giám đốc Công ty Ong Xanh ấp Trường An, xã Trường Khánh, huyện Long Phú, đơn vị có 3 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cho bộc bạch“ Hiện tại công ty Ong Xanh đã có nhà phân phối trong tỉnh, hướng tới mình sẽ phát triển mỗi tỉnh một nhà phân phối để dễ dàng mở rộng thị trường hơn và để đảm bảo nguồn cung, bên công ty Ong Xanh sẽ đi chuyển giao kỹ thuật cho một số hộ nông dân để họ gia tăng trong việc sản xuất mật ong, dễ dàng kiểm soát được chất lượng và giúp một số hộ cải thiện kinh tế gia đình”
Trích ảnh : Trồng bưởi da xanh mô chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả ở Long Phú
Mặc dù đạt được những kết quả đáng phấn khởi, song sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo ra được những sản phẩm hàng hóa đặc trưng, mũi nhọn, việc sản xuất gắn kết với thị trường và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm còn hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp, hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác, hợp tác xã chưa cao, mô hình liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp chưa nhiều,…Để khắc phục những hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới, huyện Long Phú tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, các cấp ủy đảng, chính quyền về nội dung đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tạo đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng Phòng Nông Nghiệp và PTNT huyện Long Phú nói về một số giải pháp như sau :
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng yêu cầu thị trường. Trong lĩnh vực trồng trọt, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của huyện; cơ cấu lại mùa vụ, chỉ sản xuất 02 vụ lúa/năm; sử dụng các loại giống chất lượng cao, chịu mặn; phát triển mạnh diện tích lúa đặc sản, lúa thơm; nhân rộng mô hình có hiệu quả đối với các loại rau màu theo hướng an toàn sinh học, đưa cây màu xuống chân ruộng vụ Xuân Hè; xây dựng vùng cây ăn trái tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng an toàn, với các vật nuôi có lợi thế như bò, heo, dê, gà; chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng; tiếp tục phát triển các đối tượng thủy sản chủ lực của huyện như tôm thẻ, cá tra trong vùng quy hoạch ven sông Hậu; khuyến cáo người nuôi sử dụng các chế phẩm sinh học tạo ra sản phẩm sạch, không dư lượng kháng sinh cấm, từng bước ứng dụng quy trình nuôi thủy sản sạch vào sản xuất.
Thứ hai, ứng dụng mạnh mẽ thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ cao vào sản xuất; tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ; áp dụng cơ giới hóa, quy trình sản xuất hiệu quả như mô hình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, mô hình tưới nước tiết kiệm ứng phó với khô hạn để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; lồng ghép các nguồn lực đầu tư theo hướng xã hội hóa để xây dựng kết cấu hạ tầng theo bộ tiêu chí quốc gia và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực xây dựng nông thôn mới với vai trò chủ thể; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; ưu tiên thực hiện tiêu chí về thu nhập, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân.
Thứ tư, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác; tăng cường hoạt động kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho người dân. Đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý; rà soát các sản phẩm đặc trưng, chủ lực trên địa bàn huyện để tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; tổ chức giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP.
Thứ năm, tiếp tục rà soát, khảo sát hệ thống thủy lợi trên địa bàn để có giải pháp đầu tư nâng cấp, xây dựng, phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tuyên truyền, vận động người dân làm thủy lợi nội đồng hằng năm, kịp thời nạo vét các tuyến kênh đã bị bồi lắng để đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất và dân sinh. Thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”, tích cực tuyên truyền để cho nhân dân nhận thức sự tác hại của thiên tai, chủ động phòng tránh; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, nhất là khu vực xung yếu, hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra tới mức thấp nhất.
Bài, ảnh Thanh Đồng